Đâu rồi sự khốc liệt của Champions League?
Bước vào lượt đấu cuối, 13/16 suất qua vòng bảng Champions League đã có chủ. Khi khoảng cách giàu nghèo giữa các CLB ngày càng tăng lên, tính cạnh tranh và sức hút từ cúp C1 đang dần biến mất.
Qua 5 lượt đấu, mọi sự gần như an bài ở hầu hết các bảng. Trên lý thuyết, 13 tấm vé thông hành vào vòng knock-out đã có chủ. Trong ba suất còn lại thì hai tập trung tại bảng A, với sự cạnh tranh của Chelsea, AS Roma và Bordeaux.
Quyền lực nằm trong tay các đội bóng lớn - Ảnh: BBC
Một sự thật đáng buồn ở giải đấu quy tụ tất cả những đội bóng mạnh nhất hành tinh: trận cầu hấp dẫn nhất đêm nay dường như sẽ diễn ra trên đất Hy Lap - nơi Panathinaikos quyết "sống mái" cùng Anorthosis để sánh bước cùng Inter đi tiếp.
Vậy những cặp đấu khác, các đội ra sân vì mục đích gì? Nhiều người quả quyết, Champions League vẫn đáng xem vì không ít đội đang hướng đến ngôi đầu bảng. Hoặc CLB nhỏ hơn thì muốn tìm cho mình một suất ở cúp UEFA (nếu xếp thứ ba tại bảng đấu).
Tuy nhiên, nếu lật lại lịch sử, như mùa 2004/05, Liverpool dù xếp nhì tại vòng bảng cũng thẳng tiến một mạch lên ngôi VĐ thì có thể thấy, chuyện xếp nhất chỉ mang lại chút lợi thế cho các "đại gia" chứ cũng chẳng thể đảm bảo họ sẽ dễ dàng tiến sâu.
Chủ tịch UEFA - Michel Platini sẽ phải nói lời cảm ơn Chelsea, bởi trận hòa 1-1 trước Bordeuax phần nào tạo nên sự kịch tính ở lượt đấu cuối cùng. Nhưng điều đó cũng chưa đủ che lấp thực tế "tẻ ngắt" khi nhìn vào vòng bảng Champions League 2008/09: nhiều trận cầu nhạt nhẽo, kết quả dễ đoán trước kéo theo, không đủ sức hấp dẫn người xem.
Hai tuần trước, SVĐ Giuseppe Meazza (sức chứa 85.700 chỗ) chỉ thu hút chưa tới một nửa lượng người đến xem cuộc chạm trán Inter - Panathinaikos. Kết quả càng khiến giới chuyên môn phải suy ngẫm, Inter thua nhưng vẫn đường hoàng giành vé.
Hay ai cũng thấy rõ khoảng cách mênh mông giữa Sporting Lisbon và Barcelona. Ấy vậy mà, cả hai đội đều đã chắc suất từ trước lúc bóng lăn.
CFR Cluj (đỏ) chỉ là hiện tượng nhất thời - Ảnh: AP
Hai lượt đầu tiên, người hâm mộ được chứng kiến một vài bất ngờ nho nhỏ, đến từ những cái tên như CFR Cluj (thắng Roma, hòa Chelsea), BATE Borisov (hòa Juventus) hay Anorthosis (hòa Bremen, thắng Panathinaikos).
Dẫu vậy, khi cuộc chơi bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, Cluj và BATE lộ ra chỉ là hiện tượng nhất thời. Duy nhất Anorthosis còn cơ hội. Nhưng cũng khá mong manh, bởi họ buộc phải thắng Panathinaikos ngay trên sân khách mới lọt qua khe cửa hẹp.
Cái tên đem đến nhiều kỳ vọng Zenit St Peterburg (từng đánh bại M.U trận tranh Siêu cúp châu Âu) cuối cùng lại gây thất vọng tràn trề. Dù có một vài cầu thủ tốt như Arshavin, Danny hay Tymoschuk, nhưng xét đến yếu tố kinh nghiệm, Zenit tỏ ra quá non kém tại sân chơi Champions League.
Hố sâu ngăn cách về tài chính cũng như thực lực lý giải vì sao, trình độ giữa CLB lớn và những đội bóng nhỏ ngày càng được nới rộng. Chính điều đó đã "giết chết" tính bất ngờ và làm giảm đi độ hấp dẫn trong bóng đá.
Một phần nguyên nhân khác dẫn đến sự nhàm chán của cúp C1 châu Âu nảy sinh từ quá trình bốc thăm. Fan "Quỷ đỏ" M.U hẳn phát ngán khi nghe đến Villarreal. Bốn cuộc chạm trán giữa hai đội trong ba năm gần đây đều kết thúc với tỉ số hòa 0-0. Còn nữa, Liverpool và PSV cũng quá nhẵn mặt nhau, bởi ba mùa qua, đôi bên đụng độ đến sáu lần.
Đến lúc này, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi dành cho những nhà tổ chức UEFA. Thay vì tìm ra các giải pháp thiết thực khuếch trương thanh thế, nâng cao hình ảnh của giải đấu hốt bạc Champions League, Platini cùng bộ sậu lại quá tập trung vào việc trù dập bốn "đại gia" Premiership, hay thay đổi phương thức xếp loại C1 từ mùa 2009/10, nhằm hạn chế sự bành trướng của các CLB Anh, Italia, Tây Ban Nha...
tinthethao.com.vn