Lịch sử hình thành và phát triển:
Đã hơn 10 năm rồi, bóng đá Đà Nẵng khao khát được trở lại thời hoàng kim, cái thời mà tiền thân của họ là đội Quảng Nam - Đà Nẵng (QNĐN) đá đâu thắng đó và liên tiếp trong hai năm 1992-1993 đã nâng liền Cúp VĐQG lẫn Cúp quốc gia. Đó cũng là kết quả của chặng đường phấn đấu liên tục trong 10 năm trước đó kể từ 1983, khi đội được thăng từ hạng A2 lên A1.
Thời điểm 1983 cũng đánh dấu sự kết thúc của lứa cầu thủ từng vô địch giải Trường Sơn năm 1976 chào mừng đất nước thống nhất như Phan Trọng Quang, Minh "đen", Nguyễn Nho Đức...; một số người còn lại như Trần Vũ, Thái Long... tiếp tục cống hiến thêm vài năm nữa, tạo đà cho sự ra đời một lứa cầu thủ được đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay của bóng đá QNĐN, với những tên tuổi như Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Trần Minh Toàn, Trương Văn Lợi, Lê Văn Sinh... Có những thời điểm, đội tuyển quốc gia Việt Nam có đến 11 cầu thủ của đội QNĐN.
Tuy nhiên, những sai lầm trong công tác đào tạo trẻ đã khiến bóng đá QNĐN thiếu hụt lực lượng kế cận và ngay năm sau, họ đã trở thành cựu vô địch, và một năm sau nữa, năm 1995, họ rớt hạng. Chưa bao giờ giới hâm mộ bóng đá QNĐN đau đớn đến như vậy. Họ hiểu rằng, tất cả phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên, phải sau hai năm chật vật, đến 1997, đội Đà Nẵng (kế thừa đội QNĐN sau khi tách tỉnh) mới lên lại được hạng Nhất.
Năm 1999, LĐBĐVN không tổ chức giải vô địch mà chỉ có giải tập huấn Mùa Xuân. Đội Đà Nẵng giành ngay thứ hạng cao, nhưng ai cũng hiểu rằng, đó chỉ là kết quả không thực chất bắt nguồn từ một mùa giải được tổ chức chẳng giống ai. Thực tế đã chứng minh, ngay mùa sau, Đà Nẵng lại... rớt xuống hạng Nhì. Lại một lần nữa, bóng đá Đà Nẵng không thể bịt được lỗ hổng về lực lượng kế cận. Phải tốn rất nhiều tiền của chiêu mộ anh tài từ trong lẫn ngoài nước, Đà Nẵng mới lại tiếp tục có mặt ở giải chuyên nghiệp từ năm 2001-2002 và vẫn đang cố gắng cầm cự cho đến nay.
Cứ mỗi lần vào mùa giải mới, đội Đà Nẵng lại được đánh giá là ứng cử viên Top này, Top kia căn cứ vào những sự chiêu mộ quân tướng rầm rộ của họ. Nhưng liên tiếp trong 3 mùa giải qua, Đà Nẵng vẫn cứ lẹt đẹt ở tốp cầm đèn đỏ. Qua 3 mùa giải, Đà Nẵng đá 33 trận sân khách và chỉ thắng đúng... 1 trận! Đà Nẵng trở thành "vua" sân nhà với đủ cách bài binh bố trận chứ không chỉ bằng thực lực, nên mùa giải nào cũng phải đợi tới những vòng đấu cuối họ mới dám thở phào đã thoát hiểm.
Nguyên nhân cơ bản là cho dù đã tập hợp quân tướng từ đủ mọi nguồn nhưng đội Đà Nẵng vẫn chưa tạo được một chất kết dính theo đúng nghĩa của một đội bóng. Ngoài sự thiếu phù hợp, không ăn ý giữa lối chơi của các cầu thủ từ nhiều nguồn, còn nảy sinh sự mất đoàn kết, kết bè kéo cánh, lật kèo lẫn nhau trong nội bộ. Trong khi đó, các cấp lãnh đạo của Đà Nẵng tuy có nhiệt huyết, có quan tâm đầu tư nhưng cách làm lại không phù hợp nên dù đã tốn rất nhiều tiền của vẫn chưa thể giúp đội nhà trở lại ngày xưa!
Để chuẩn bị cho mùa giải mới sắp tới, ngoài những tên tuổi đã đến đây từ mùa giải trước như Huỳnh Đức, Hồng Minh, Thành Thông, Rogerio, Nuro... đội Đà Nẵng lại tiếp tục chiêu mộ thêm nhiều hảo thủ mới như Minh Đức, Mạnh Dũng, Achilefu, Amaobi... hợp sức cùng các trụ cột của bóng đá Đà Nẵng như Hùng Dũng, Quang Cường...
Với lực lượng này, đội Đà Nẵng thêm một lần nữa được đánh giá là đối thủ nặng ký cho cuộc đua đến chức vô địch. Lãnh đạo TP Đà Nẵng dường như cũng đã hết kiên nhẫn trước sự trồi trụt thất thường của đội nhà nên đã tuyên bố thẳng: "Nếu không vào được Top 5 thì... dẹp!". Nhiều người còn cho rằng, mục tiêu của Đà Nẵng năm nay là phải có huy chương. Thực ra, nếu xét từng vị trí trên sân, Đà Nẵng hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đó. Vấn đề là các vị trí ấy có thực sự kết dính với nhau, có đồng tâm hiệp lực vì một mục tiêu chung hay không?
Dù sao thì trong bức tranh chung chưa lấy gì làm sáng sủa ấy, bóng đá Đà Nẵng cũng đã nhận được những tín hiệu tốt lành từ công tác đào tạo trẻ. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này nên vài năm gần đây, Đà Nẵng đã có sự đầu tư thích đáng bằng cách thuê HLV ngoại, tuyển mộ cầu thủ tài năng từ tuổi thiếu niên từ các nơi về, nuôi ăn ở tập trung để đào tạo cho đến khi trưởng thành.
Nhờ vậy, trong khi đội 1 còn lận đận trên bảng xếp hạng thì bóng đá trẻ Đà Nẵng đang liên tục gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Sau 3 lần vào vòng chung kết và 2 lần vuột chức vô địch trong trận chung kết giải U-21 quốc gia, mùa giải 2003, đội U-21 Đà Nẵng đã lần đầu tiên đăng quang và hiện vẫn được xem là ứng cử viên cho chức vô địch giải U-21 quốc gia 2004. Lứa U-18 sau khi đoạt hạng 3 giải U-18 quốc gia 2003 lại vừa tiếp tục đoạt chức vô địch giải bóng đá học sinh THPT trong khuôn khổ Hội khoẻ Phù Đổng 2004...
Sân nhà:
- Sân vận động Chi Lăng.
- Đơn vị chủ quản: Sở TDTT TP Đà Nẵng nay chuyển qua cho Ngân Hàng SHB
- Điều kiện sân: Sân Chi Lăng đang được nâng cấp, mở rộng để tăng sức chứa lên 30.000 chỗ ngồi, có mái che ở khán đài A. Đây sẽ là sân bóng hiện đại nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mặt sân rất tốt, có dàn đèn thi đấu đêm, từng tổ chức vòng chung kết giải U.16 châu Á, được AFC đánh giá cao.
Thành tích:
- Vô địch quốc gia năm 1992
- Vô địch Cúp quốc gia năm 1993
- Từng tham dự Cúp C1 châu Á...
Danh sách đội Đà Nẵng tại V-League 2004
Bùi Xuân Hòa 1957 Trưởng đoàn
Lê Đình Chính 1942 GĐĐH
Kenneth Morten 1947 HLV trưởng (người Anh)
Phan Công Thìn 1964 Trợ lý 1
Micheal Edwards 1963 Trợ lý 2 Anh (người Anh)
Trương Văn Lợi 1963 HLV Thủ môn
Nguyễn Xuân Bình 1977 Phiên dịch
Nguyễn Nguyên Tuấn 1968 Bác sỹ
TT Họ và tên Năm sinh Số áo Quốc tịch
---------------------------------------------------
1 Cledson Silva 1980 1 Brazil
2 Phạm Xuân Dũng 1982 2 Việt Nam
3 Huỳnh Quốc Anh 1985 3 Việt Nam
4 Trần Quốc Thịnh 1980 4 Việt Nam
5 Phạm Hùng Dũng 1978 5 Việt Nam
6 Châu Lê Phước Vĩnh 1985 6 Việt Nam
7 Nguyễn Anh Tài 1976 7 Việt Nam
8 Nuno Amiro 1973 8 Mozambique
9 Trần Văn Hùng 1979 9 Việt Nam
10 Lê Huỳnh Đức 1972 10 Việt Nam
11 Giang Thành Thông 1977 11 Việt Nam
22 Lê Quang Cường 1983 12 Việt Nam
13 Phan Thanh Phúc 1985 14 Việt Nam
14 Đặng Trọng Tâm 1985 15 Việt Nam
15 Rogerio M. Pareira 1979 16 Brazil
16 Trương Công Sỹ 1984 17 Việt Nam
17 Ajao Muisi 1978 18 Nigeria
18 Nguyễn N. Anh Tuấn 1972 19 Việt Nam
19 Lê Hồng Minh 1978 20 Việt Nam
20 Nguyễn Bình Minh 1977 21 Việt Nam
21 Hoàng Hải Thượng 1985 22 Việt Nam
22 Nguyễn Hữu Hùng 1986 23 Việt Nam
23 Nguyễn Hồng Nam 1982 24 Việt Nam
24 Nguyễn Thanh Tuấn 1976 25 Việt Nam
25 Trần Đức Cường 1985 30 Việt Nam
(theo báo điện tử VNN, tiếp tục cập nhật)